17:44 ICT Thứ sáu, 19/04/2024 1

Chuyên mục

video

Nần Vàng - Dược liệu quý cho người bị mỡ máu cao & bệnh tim mạch

Trang nhất » Tin Tức » Quý ông cần biết

Đu đủ tía - độc tính và công dụng chữa bệnh

Thứ năm - 10/11/2016 09:03

Một bạn đọc từ địa chỉ thư điện tử tunguyetphung…@yahoo.com có gửi cho tôi một câu hỏi: “Tôi nghe nói hạt đu đủ tía có chất độc A . Xin cho biết công dụng trị bệnh của hạt đu đủ tía. Xin thành thật cám ơn!”.

Thầu dầu (Đu đủ tía - Ricinus communis). Ảnh: P.C.T

Hạt đu đủ tía không thấy tên trong quy chế độc bảng A cũng như B của y học cổ truyền.

Tuy nhiên, nói hạt đu đủ tía có một chất độc là điều hoàn toàn đúng. Chất độc đó là ricin - một protein độc có trong hạt đu đủ tía.

Cây đu đủ tía, còn gọi là Thầu dầu, tên chữ Hán là 蓖 麻 ( theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu  đọc là Bế ma hoặc Bề ma, trong khi sách thuốc của cố GS Đỗ Tất Lợi phiên âm là Tỳ ma, TS Võ Văn Chi phiên âm là Bí ma). Tên khoa học là Ricinus communis L., thuộc họ Thầu dầu - Euphorbiaceae.
Cây Thầu dầu cho ta các vị thuốc sau đây:

1. Dầu Thầu dầu - Bế ma du là dầu ép từ hạt cây Thầu dầu, là một chất lỏng sền sệt, trong, không màu hay hơi vàng, mùi vị nhạt và gây buồn nôn.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của TS Võ Văn Chi, dầu Thầu dầu có tác dụng nhuận trường thông tiện, được chỉ định dùng trong bệnh táo bón của trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân mổ và sản phụ. Liều dùng cho người lớn 1-2 thìa, trẻ em ½ thìa. Để tránh buồn nôn có thể hòa lẫn cà-phê (bia hay dịch trái cây) để uống.

Theo tài liệu của GS Đỗ Tất Lợi thì dầu Thầu dầu có tác dụng tẩy nhẹ và chắc chắn. Uống lúc đói với liều 10-30g. Sau khi uống 3-4 giờ sẽ gây đi ngoài nhiều, mà không đau bụng. Với liều 30-50g, đi ngoài sẽ kéo dài 5-6 giờ. Dầu này không gây hiện tượng xót trong ruột, chỉ làm ruột non và ruột già co bóp nhiều hơn mà không ảnh hưởng đến xương chậu nhỏ, do đó rất tốt cho phụ nữ có thai mà bị táo bón.

2. Hạt Thầu dầu - Bế ma tử là hạt phơi khô của cây Thầu dầu. Trong hạt Thầu dầu có một protein rất độc tên là ricin, chiếm tỉ lệ 3-5% trong hạt. Khi ép dầu, thì chất độc này nằm lại trong khô dầu làm cho khô dầu có chất độc không dùng làm thức ăn được. GS, TS Đỗ Tất Lợi đã viết rất chi tiết về chất độc này trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam như sau:

Chất ricin là một chất độc. Với liều 0,002mg đối với 1kg thể trọng đã làm chết một con thỏ. Tác dụng độc của nó giống như vi trùng. Nó có thể gây miễn dịch: cho súc vật ăn với liều nhỏ, nhiều lần, thì sau đó súc vật có thể ăn với liều khá cao mà không chết.

Ricin bị nhiệt độ cao phá hủy, cho nên có nơi có thể cho lợn ăn khô Thầu dầu đã hấp nóng ở 115oC trong một giờ rưỡi. Và có thể do đó một vài nơi ở ta ăn hạt thầu dầu xào nấu mà không thấy hiện tượng ngộ độc.

Nếu không bị phá hủy, độ độc của nó rất cao: 3g khô dầu đủ giết chết một con bò non nặng 100kg; chỉ cần tiêm 0,03mg cho một 1kg thể trọng chó là đủ giết chết chó. Liều độc đối với một con chuột bạch nặng 500g là 6 phần triệu gam, tức là đối với chuột bạch, ricin độc gấp 7 lần chất aconitin là chất độc vào loại độc nhất có trong Ô đầu (Aconitum).

Liều độc với người là 3mg tiêm dưới da, 180mg uống; 1 hạt đủ gây nôn mửa, 3-4 hạt đủ làm trẻ con chết, 14-15 hạt làm chết người lớn. Tiêm chất ricin đã đun lâu có thể gây miễn độc. Thanh huyết miễn độc, antiricin để lâu có thể giảm bớt hiệu lực.

Cơ chế tác dụng của ricin là làm vón hồng cầu và bạch cầu.

Do có độc như vậy nên trong Đông y không dùng hạt Thầu dầu làm thuốc uống trong, mà chỉ làm thuốc đắp ngoài. Xin giới thiệu một số đơn thuốc dân gian có ghi trong Từ điển cây thuốc Việt Nam của TS Võ Văn Chi:

1- Sa tử cung và trực tràng: Dùng hạt Thầu dầu giã ra đắp lên đầu.

2- Đẻ khó, sót nhau: Dùng hạt Thầu dầu (độ 14 hạt) giã nát đắp vào lòng bàn chân, khi đẻ xong hay nhau đã ra thì bỏ thuốc ngay và rửa sạch.

3- Liệt thần kinh mặt: Giã hạt Thầu dầu và đắp vào phía đối diện.

Ngoài hạt, sách đã dẫn còn biết lá Thầu dầu còn được dùng trị viêm mủ da, eczema, mẩn ngứa, ung nhọt, viêm tuyến vú, viêm đau khớp, diệt giòi, giết bọ gậy và rễ Thầu dầu dùng chữa phong thấp đau nhức khớp, đòn ngã sưng đau, sài uốn ván, động kinh, tinh thần phân liệt. Lá và rễ thường dùng với liều 30-60g. Dùng ngoài lấy lá giã đắp.

Với những thông tin trích lục trên đây, hy vọng đã giải đáp phần nào cho câu hỏi của bạn đọc.

Tác giả bài viết: PHAN CÔNG TUẤN
 


Hình ảnh hoạt động

  • 1
  • 1
  • 1
  • 1
  • 1
  • 1
  • 1
  • 1
  • 1

Liên kết website



Thống kê

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 551
  • Tháng hiện tại: 8213
  • Tổng lượt truy cập: 688035